Trên quầy hàng của các siêu thị hiện nay, rất nhiều loại nước súc miệng khác nhau như Listerin, Oral B, Mybacin… được bày bán. Vậy loại nào là thực sự tốt và nên dùng chúng ra sao?
Nguyên nhân hôi miệng
Hôi miệng thực chất chỉ là triệu chứng của các bệnh hoặc tình trạng của miệng cũng như các cơ quan khác trong cơ thể đã gây ra nó như:
– Bệnh viêm lợi và bệnh viêm quanh răng: là một trong những nguyên nhân rõ ràng và thường gặp nhất, ngoài việc gây hôi miệng còn ảnh hưởng đến vị giác, gây ăn uống không ngon miệng.
– Răng lợi không được vệ sinh tốt khiến thức ăn và vi khuẩn tích tụ trong miệng, trong kẽ răng, trên bề mặt lưỡi và trong các mảng bám; khi phân hủy sẽ gây mùi khó chịu.
– Thuốc lá gây ảnh hưởng xấu lên miệng và cơ thể nói chung.
– Khô miệng do giảm lượng nước bọt sinh ra trong miệng để rửa sạch thức ăn thừa và vi khuẩn khỏi khoang miệng; có thể gây ra bởi các bệnh tuyến nước bọt, do dùng thuốc điều trị (thuốc an thần, thuốc hạ huyết áp…), hoặc thói quen thở bằng miệng.
– Nhịn ăn khiến lượng nước bọt trong miệng giảm, lượng acid thừa trong dạ dày làm cho hơi thở có vị chua.
– Nước súc miệng dùng quá thường xuyên về lâu dài gây hôi miệng. Do vậy chỉ nên dùng nước súc miệng 1-2 lần trong ngày sau khi đã đánh răng.
– Ngoài ra, hôi miệng còn do viêm đường hô hấp (xoang, mũi, phổi), bệnh gan, thận…
Lưu ý khi sử dụng nước súc miệng
– Chỉ để súc miệng, không được nuốt, để xa tầm tay trẻ em.- Trước khi dùng cần kiểm tra chai thuốc có vẩn đục không. – Chú ý hạn dùng in trên chai thuốc. – Không để gần các chai nước khoáng vì dễ bị lẫn và uống nhầm. – Tuyệt đối không dùng nước súc miệng của người lớn cho bé mà không pha loãng. – Có thể dùng nước muối nhạt thay thế, tránh dùng nước muối quá mặn có thể gây viêm loét lợi và lưỡi.
Nguyên tắc chung khi dùng nước súc miệng
– Không pha loãng nếu không có hướng dẫn. – Không ngậm quá nhanh hoặc quá lâu, cần giữ nước trong miệng 20-30 giây để các hoạt chất phát huy tác dụng. – Không dùng quá 3 lần/ngày, sẽ gây khô miệng, lâu ngày dẫn đến hôi miệng. – Không thể thay thế kem đánh răng.
Cách chọn nước súc miệng
Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại nước súc miệng nhưng không phải loại nào cũng đem lại hiệu quả cao. Khi mua, bạn nên xem kỹ thành phần nước súc miệng. Các hoạt chất tốt như Thymol, Methol, Eucalyptol, Methy salisylate, Xilitol có tác dụng sát khuẩn, sát khuẩn đường hô hấp trên, chống viêm.
Ngoài ra, nên chọn thuốc súc miệng là một dạng chất lỏng dùng để chữa các bệnh ở vùng miệng và họng. Người dùng chỉ ngậm thuốc trong ít phút rồi nhổ đi.
Nước súc miệng vì có tác dụng sát khuẩn nhẹ nên chỉ ngừa sâu răng chứ không chữa được sâu răng. Sau khi đã chải với kem đánh răng, rửa kỹ bằng nước sạch, miệng vẫn có thể chứa nhiều loại vi khuẩn, bạn nên đánh răng ngay sau mỗi bữa ăn khoảng 3 phút và dùng nước súc miệng bổ sung.
Loại có thêm các hoạt chất đặc trị bổ sung cho tái tạo men răng và ngừa sâu răng như Sodium Flouride, làm tan mảng bám chống cao răng như Zinc Lactate…
Khi dùng, nên chọn độ cay phù hợp. Nước súc miệng quá cay có nghĩa là nồng độ cồn quá cao, dùng thường xuyên sẽ bị khô miệng.